Learning commons - Không gian học tập chung

  • 29-01-2018 12:00:00 SA
  • 2559
Cỡ chữ: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+) Nghe

Lương Thị Thắm

Công ty IDT Vietnam

Bài đăng trên Tạp chí Thư viện Việt Nam

số 4 (60) 7-2016

 Tại Việt Nam, các thư viện đang ngày càng được chú trọng và quan tâm, đặc biệt có một số thư viện lớn đã xây dựng và phát triển hướng theo mô hình thư viện hiện đại của nước ngoài và đã đạt được những thành công nhất định. Tuy nhiên, với xu thế phát triển của các thư viện trên thế giới hiện nay, mô hình được xem là ưu việt nhất: Learning commons– Không gian học tập chunglà mô hình kết hợp giữa thư viện với công nghệ thông tin và các dịch vụ hỗ trợ học tập nhằm cung cấp những dịch vụ tốt nhất đáp ứng được tối đa các nhu cầu của người dùng. Bài viết đưa ra những khái niệm và cấu thành cơ bản của mô hình Learning commons, bên cạnh đó đề xuất một mô hình kết hợp giữa Learning Commons hiện đại và thư viện phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam hiện nay.

“Tôi để ý thấy rằng, hễ đoàn khách nào đến thăm trường ta thì họ đều muốn đến thăm Thư viện. Đối với khách quốc tế thì điều này càng hiển nhiên rõ ràng hơn. Những ai đi Thư viện thường xuyên, chắc chắn thấy không dưới chục lần các nhân viên Thư viện và ban giám hiệu nhà trường dẫn các đoàn khách tham quan vòng quanh Thư viện. Có khi nào các bạn đặt ra câu hỏi “Tại sao các đoàn khách lại đặc biệt quan tâm đến Thư viện như vậy” không?”.[1]. Có thể nói một cách đơn giản, thư viện được quan tâm đặc biệt như vậychính là vì chức năng, nhiệm vụ của nó trong các trường đại học. Thư viện hoạt động dựa trên 4 chức năng chính là: Thông tin, giáo dục, văn hóa và giải trí. Với những chức năng này, thư viện có nhiệm vụ cung cấp cho người dùng kho tàng tri thức khổng lồ, những dịch vụ phục vụ cho học tập nghiên cứu hay đơn giản chỉ là không gian để giải trí, thư giãn. Đó là lí do vì sao mà xây dựng một thư viện hiện đại, nhiều chức năng, nhiều dịch vụ đáp ứng tối đa nhu cầu của sinh viên và giảng viên lại quan trọng như vậy.

Tuy nhiên, để xây dựng được một thư viện hiện đại và phục vụ người dùng một cách tốt nhất vẫn đang là một bài toán không dễ dàng tìm ra câu trả lời. Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu của con người ngày càng cao, thư viện phải luôn thay đổi, cập nhật, làm mới mình để có thể phục vụ người dùng một cách tốt nhất. Đối với vấn đề này, các thư viện nước ngoài hiện đang làm rất tốt và các thư viện tại Việt Nam cũng đang hướng theo những mô hình thư viện hiện đại và đang chuyển mình một cách nhanh chóng, rõ rệt. Bài viết này xin đưa ra một mô hình thư viện hiện đại đã được rất nhiều các thư viện trên thế giới áp dụng và các thư viện Việt Nam đang dần hướng tới. Đó là mô hình Learning Commons – Không gian học tập chung.

Khái niệm Learning Commons được định nghĩa như là một không gian giáo dục, tương tự như thư viện và lớp học trong đó có các không gian và hạ tầng thiết bị phục vụ việc đọc, nghiên cứu, tự học, làm việc nhóm, sáng tạo, gặp gỡ, hay đơn thuần chỉ là thư giãn… Learning commons là sự kết hợp giữa thư viện với công nghệ thông tin và các dịch vụ hỗ trợ học tập nhằm cung cấp những dịch vụ tốt nhất đáp ứng được tối đa các nhu cầu của người dùng. Đây là một không gian học tập năng động với kiến trúc, nội thất, trang thiết bị công nghệ và cách thức tổ chức quản lí luôn hướng đến người dùng. Áp dụng mô hình này, người dùng thư viện có thể phát huy tối đa những không gian chung cho phép tự tra cứu, học, đọc tài liệu hoặc nghiên cứu, thảo luận về các vấn đề quan tâm, hoặc đơn giản chỉ là nghỉ ngơi, thư giãn. Mô hình cho phép người dùngchủ động tiếp cận tài liệu và sử dụng những trang thiết bị hiện đại mà không cần sự can thiệp của thủ thư. Như vậy không gian thư viện sẽ phát huy tối đa tính chủ động của người dùng trong việc tiếp cận tài liệu, tự học, từ đó đem lại cho họ cảm giác thoải mái, tiện nghi nhất, cùng với hiệu quả học tập, nghiên cứu tốt nhất.

Ý tưởng xây dựng những Learning Commons trong thư viện được bắt nguồn từ những nhà Thư viện học Hoa Kỳ từ những năm 90 của thế kỉ XX. Những Learning Commons đầu tiên được xây dựng tại Thư viện Đại học Iowa (1992) và Nam California (1994) của Mỹ và đã được nhân rộng ra rất nhiều thư viện trên Thế giới. Một mô hình Learning commons đúng nghĩa bao gồm nhiều khu vực chức năng và thành phần công nghệ hiện đại, là sự kết hợp hài hòa giữa thư viện, trung tâm giảng dạy, trung tâm đa phương tiện và các dịch vụ hỗ trợ học tập khác. Tại Việt Nam, mô hình này đã xuất hiện và bước đầu đã được các thư viện triển khai, áp dụng.

Tuy nhiên, để xây dựng một Learning Commons đúng nghĩa yêu cầu khá lớn về vốn đầu tư, hiểu biết công nghệ và kiến thức để tổ chức và vận hành mô hình này. Và để xây dựng thành công mô hình Learning commons, các trường đại học phải có tầm nhìn, chiến lược phát triển phù hợp với thực tế và đặc biệt là lấy người học làm trung tâm. Vì vậy, đối với điều kiện của các thư viện Việt Nam hiện nay để xây dựng được một Learning commons đúng nghĩa sẽ là những bước đi khó khăn và lâu dài. Vậy nên, thông qua quá trình tìm hiểu, tham gia đào tạo tại một số khóa học quốc tế, cùng với kinh nghiệm tư vấn, triển khai mô hình và giải pháp công nghệ tại các thư viện, chúng tôi xin được đưa ra một mô hình kết hợp giữaLearning Commons hiện đại và thư viện với các chức năng cơ bản của nó. Đây có thể là một nét mới, một sự kết hợp hài hòa nhất, phù hợp nhất trong điều kiện của Việt Nam hiện nay.

Mô hình bao gồm những phòng/ khu vực chức năng sau:

 1. Không gian chung: Là nơi gặp gỡ của người sử dụng khi đến với thư viện, tại đây người dùng có thể tự đọc, tự học hay gặp gỡ bạn bè để trò chuyện, hay thậm chí là thư giãn, nghỉ ngơi sau những giờ học hành căng thẳng. Bên cạnh đó, có thể bố trí những góc sáng tạo, năng động, thoải mái để sinh viên có thể tự do khám phá, sáng tạo.

2. Quầy thông tin: Được đặt ở vị trí trung tâm, gần cửa ra vào rất tiện lợi cho việc cung cấp thông tin, trợ giúp cho bạn đọc khi có yêu cầu. Bởi mô hình Learning commons là một mô hình rất đa dạng, hiện đại và bạn đọc rất cần tới sự hướng dẫn của thủ thư để có thể sử dụng thư viện một cách hiệu quả nhất.

3. Phòng đọc chuyên ngành: Là nơilưu giữ và phục vụ các tài liệu nghiên cứu được sắp xếp theo từng môn loại. Người dùng sẽ tự tìm và sử dụng tài liệu theo nhu cầu tại chỗ. Trong không gian này, thư viện có thể đặt máy scan tự phục vụ giúp cho người dùng có thể tự scan những trang tài liệu họ cần sau đó lưu lại để phục vụ cho công việc học tập, nghiên cứu.

4. Kho mượn: Là kho chứa tài liệu giáo trình hoặc tài liệu tham khảo cho phép người dùng có thể mượn tài liệu về nhà. Kho mượn được sắp xếp theo các loại sách để người dùng có thể tự tìm tài liệu một cách dễ dàng. Trong phòng thường đặt các thiết bị mượn trả sách tự động hoặc các giá trả sách thông minh giúp cho người dùng có thể tự làm thủ tục mượn trả mà không cần sự can thiệp của thủ thư.

5. Trung tâm đa phương tiện: Nơi được trang bị màn hình TV, ampli, đầu đĩa, tai nghe, ghế ngồi sofa tiện nghi, có khả năng phục vụ các hoạt động học tập cá nhân và theo nhóm.

6. Phòng đào tạo người dùng tin: Đây là phòng đào tạo người sử dụng thư viện, được trang bị máy tính kết nối internet để hướng dẫn sử dụng các dịch vụ của thư viện, ngoài ra có thể sử dụng để đào tạo kỹ năng thông tin đáp ứng nhu cầu nâng cao khả năng định vị, khai thác và sử dụng thông tin của sinh viên và giảng viên.

7. Phòng đọc chuyên gia: Là phòng dành cho giảng viên nghiên cứu chuyên sâu, được thiết kế không gian yên tĩnh và cách xa khu vực không gian chung để không bị ảnh hưởng từ bên ngoài.

8. Phòng tự học: Bố trí bàn học, máy tính, tủ đồ cá nhân,…nhằm phục vụ cho người đọc 24/24, tách biệt với khu mượn trả sách, người học có thể ra vào tự do, chủ động thời gian học tập của mình.

9. Khu vực đọc giải trí: Không gian thư giãn tự do, được trang bị các ghế sofa tiện nghi, một số loại sách báo, tạp chí giải trí như thời trang, phim ảnh, truyện tranh; sinh viên có thể đọc sách hoặc ngả lưng nghỉ ngơi, thư giãn.

10. Phòng học nhóm: Là những phòng có diện tích khác nhau từ nhỏ đến lớn được trang bị bàn ghế, bảng, để phục vụ cho việc trao đổi, thảo luận theo nhóm của sinh viên.

 

11. Căng tin (café + đồ ăn nhẹ):Quán phục vụ các thức uống và thức ăn nhanh ngay trong thư viện dành cho cả sinh viên và giảng viên.

12. Khu in ấn, photocopy: Khu vực đáp ứng nhu cầu của người dùng muốn có bản sao của cả tài liệu in ấn và các tài liệu kỹ thuật số mà họ đã truy cập trong thư viện. Tại đây, sẽ bố trí máy scan tự phục vụ kết nối với máy in nhằm mục đích cho sinh viên tự scan và in những tài liệu mình muốn theo giới hạn cho phép của thư viện. Thiết bị scan sẽ được tích hợp thanh toán tùy theo nhu cầu của thư viện, đây có thể coi là một dịch vụ tạo giá trị gia tăng cho thư viện.

13. Khu trưng bày giới thiệu sách mới: Khu trưng bày các bộ sưu tập sách mới, tài liệu và dịch vụ đa dạng của thư viện, có thể là các tủ chứa sách mới hoặc  màn hình tivi giới thiệu thư viện và giới thiệu sách mới. Tại khu vực này,thư viện có thể bố trí một số bàn để đọc sách mới theo yêu cầu.

14. Khu ấn phẩm xuất bản của Trường:Các trường đại học thường có nhà xuất bản riêng chuyên xuất bản những tài liệu của giảng viên, sinh viên trong tường viết. Vì vậy khu vực trưng bày hoặc bán các ấn phẩm xuất bản của trường là rất quan trọng, nó sẽ góp phần quảng bá hình ảnh của trường.Thông thường khu vực này sẽ được bố trí cạnh khu trưng bày giới thiệu sách mới.

15. Khu hướng dẫn học tập: Thư viện là nơi chứa một khối lượng lớn những tài liệu chuyên ngành, vì vậy việc bố trí những lớp học ngay tại thư viện sẽ tạo điều kiện tiếp cận tài liệu rất dễ dàng. Những khu hướng dẫn học tập sẽ là nơi để giảng viên và sinh viên đăng kí học tập, giảng dạy khi có nhu cầu.

16. Khu hành chính thư viện: Khu vực làm việc của nhân viên và quản lý thư viện: Phòng Nghiệp vụ, Phòng tin học, Phòng số hóa, Phòng máy chủ, Kho lưu tài liệu.

Một số mô hình thư viện đã được thiết kế và triển khai tại Việt Nam bởi IDT:

Thư viện vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp giáo dục, hầu hết các trường cao đẳng, đại học đã nhìn thấy điều đó và bước đầu phát triển hệ thống thư viện. Tuy nhiên, như vậy vẫn chưa đủ, thư viện cần có những bước đi đúng đắn để có thể trở thành “trái tim của các trường đại học” và “ngôi nhà thứ 2” của sinh viên. Và mô hình Learning commons có thể coi là bước đi đầu tiên giúp thư viện phát huy vai trò và tầm quan trọng.

Vài nét về IDT: là công ty cung cấp các giải pháp chuyên nghiệp về thông tin và thư viện, chúng tôi luôn nỗ lực không ngừng với mong muốn có những đóng góp tích cực cho ngành thư viện Việt Nam và giúp cho các thư viện ngày càng phát triển. Với mong muốn đó, chúng tôi luôn mang tới cho thư viện những cái nhìn mới để từ đó giúp cho các thư viện Việt Nam có thể sánh ngang với cộng đồng thư viện trên Thế giới.

Xây dựng thư viện theo hướng Learning commons không phải việc đơn giản, và để vận hành nó càng không dễ dàng. Vì vậy, chúng tôi đã tích cực tìm hiểu, nghiên cứu và tham gia các khóa đào tạo của chuyên gia nước ngoài để hiểu rõ hơn về cách thức xây dựng, tổ chức, triển khai, vận hành mô hình này.Hiện tại, chúng tôi đang làm việc với nhiều thư viện để hỗ trợ thiết kế, bố trí không gian trên mô hình 3D. Bên cạnh đó, chúng tôi đang tài trợ và đồng hành cùng Viện Thông tin Khoa học – Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nghiên cứu đề tài khoa học: “Xây dựng và tổ chức thư viện theo mô hình “Không gian học tập chung” tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh”. Đề tài đang trong quá trình hoàn thành, khi có kết quả nghiên cứu chúng tôi sẽ báo cáo rộng rãi tới quý đồng nghiệp.


  Hoan thien cong tac quan ly ngan sach phuong, xa thanh pho Đa Nang.pdf